Tỏa sáng tấm lòng y đức

Trong lịch sử truyền thống quý báu của dân tộc ta, người thầy thuốc gắn với tình yêu thương cao cả của người mẹ “Lương y như từ mẫu”. Lịch sử cũng đã vinh danh nhiều tấm gương thầy thuốc được người đời tôn kính, thờ phụng. Họ mãi mãi là tượng đài của nền y học, xây dựng nên một nền y học Việt Nam vừa mang giá trị y đức vừa cập nhật khoa học, công nghệ của nền y học hiện đại.

Hiện nay hiện tượng thương mại hóa trong y học, có một bộ phận những người làm công tác y tế bán rẻ đạo đức nghề y, thì cuộc sống quanh ta, vẫn còn có biết bao câu chuyện về tấm gương người tốt việc tốt được ví như những đóa hoa thơm có sức lan tỏa rất lớn giúp chúng ta tin tưởng về những tấm lòng lương y, vẫn còn giữ được những giá trị truyền thống trong một xã hội thương mại hóa. Từ sức thu hút mạnh mẽ của phong trào giới thiệu những tấm gương người tốt việc tốt xung quanh cuộc sống đời thường, tôi chiêm nghiệm nhận ra hình ảnh người y sỹ trẻ, một người đoàn viên năng động sáng tạo, giám nghĩ, giám làm – Đồng chí Phùng Tiến Đạt, cán bộ Phòng Y tế – Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần số 2 Hà Nội. Đồng chí thật xứng đáng là một hình ảnh đẹp, một tấm gương sáng giữ được những giá trị đạo đức truyền thống quý báu mà Hải Thượng Lãn Ông truyền dạy cho con cháu muôn đời về tấm lòng lương y “Thiện tâm cốt ở cứu người, sơ tâm nào có mưu cầu chi đâu, biết vui nghèo cũng hơn giàu, làm ơn nào phải mong cầu trả ơn…”.

Nói về tấm gương rất đỗi bình dị của một người cán bộ y tế làm việc trong môi trường chăm sóc y tế đặc biệt, người cán bộ y tế không chỉ là người thầy thuốc, mà còn là người thân ruột thịt của những đối tượng bệnh nhân đặc thù, những đối tượng lang thang vô gia cư, không nhà, không người thân, không nhận ra chính mình, không có khả năng chăm sóc và phòng vệ bản thân. Có thể nói tuổi đời và tuổi nghề còn khá trẻ, nhưng người cán bộ, đoàn viên đã để lại cho đồng chí đồng nghiệp và cả những bệnh nhân những ấn tượng, những việc làm hết sức nhân văn. Đó là sự hi sinh của anh cho đi mà không hề nhận lại, cho đi sự công hiến tinh thần, trách nhiệm và nhận lại niềm vui, nụ cười của người bệnh của đồng chí đồng nghiệp

Vào nghề năm 2010 người cán bộ đoàn viên mới vào nghề mang trong mình nhiều trọng trách gắn với tính mạng con người, được phân công công tác tại Phòng Y tế thực hiện công tác cắt cơn, phục hồi sức khỏe cho người cai nghiện ma túy. Hình ảnh của anh luôn hiện hữu trong màu áo trắng Blouse ẩn chứa y đức và trách nhiệm của người thầy thuốc. Khi đó không tránh khỏi những bỡ ngỡ trong công việc, với đối tượng bệnh nhân đặc thù là người cai nghiệm ma túy. Nhưng không vì thế mà người y sỹ trẻ lại chùn bước với nghề, có lẽ khó khăn thử thách cũng chính là động lực để đồng chí có được những bước đi vững chắc trên con đường mà mình đã lựa chọn. Đôi khi chính những học viên cai nghiện lại giúp người cán bộ, đoàn viên trẻ đúc rút ra nhiều bài học kinh nghiệm sống trong môi trường tập thể, để rồi các bạn học viên mỗi khi gặp anh chào anh với ba tiếng thân thương“em chào thầy” chữ thầy ở đây thật nhiều ý nghĩa!

Trong ánh mắt của người đồng chí đồng nghiệp anh luôn tự hào là người cán bộ đảng viên trẻ đầy trách nhiệm, có lẽ suốt thời gian của tuổi trẻ anh đã hi sinh thời gian cá nhân để cống hiến cho công việc, cống hiến cho những người bệnh trong môi trường đặc thù cai nghiện ma túy. Sự trưởng thành của anh trong công việc cũng là khẳng định sức mạnh của người cán bộ, đảng viên, đoàn viên trẻ đầy nhiệt huyết. Anh là những điểm sáng trong số cán bộ trẻ thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện, thể hiện tấm gương y đức không nề hà việc mới, việc khó. Người cán bộ, đoàn viên trẻ luôn chủ động đăng ký tham gia các lớp học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, để phục vụ tốt hơn cho công việc.

Và rồi thực tế đã chứng minh một tấm lòng lương y bình dị không quản hi sinh với nghề, mãi mãi vững tâm và kiên trì bền bỉ chiến đấu trên mặt trận y tế phát huy vai trò là người chiến sỹ áo trắng đầy nghị lực. Khi đơn vị thực hiện chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ từ quản lý người sau cai nghiện ma túy sang chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần. Đồng chí lại được tín nhiệm phân công công tác tại Phòng Y Tế – một vị trí công việc gắn với sức khỏe và tính mạng của người bệnh tâm thần. Không khỏi ban khoăn trăn trở với nghề, sự nhiệt tình và tận tâm với công việc đồng chí lại quyết tâm học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần, lăn lộn với những cơ kích động của bệnh nhân, dường như cuộc sống và công việc của anh vui niềm vui của bệnh nhân, buồn nỗi buồn của bệnh nhân, đau xót nghẹn ngào trước những nỗi đau của người bệnh của những người bệnh, những vết thương của người bệnh cũng chính là vết thương lòng của anh. Đồng chí cũng băn khoăn trăn trở “với lực lượng y tế còn quá mỏng tại đơn vị, trong khi số lượng bệnh nhân ngày càng tăng, ngoài bệnh tâm thần, các bệnh nhân còn mắc các bệnh về thực thể khác, đó là gánh nặng mà mỗi người cán bộ y tế chúng tôi đang hằng ngày đặt trên vai mình, và coi đây là trọng trách cao cả, có lẽ chúng tôi phải hi sinh thời gian, tâm sức nhiều hơn nữa cho những người bệnh đáng thương của mình, phần đông họ là những người lang thang, vô gia cư, không nhớ cả gia đình và người thân của mình, chúng tôi chính là người thân của họ”.

Ảnh: Đồng chí Đạt tham gia phòng chống dịch bệnh Covid – 19

Ảnh: Đồng chí Đạt hằng ngày đo thân nhiệt cho bệnh nhân tâm thần phòng chống dịch bệnh Covid – 19

Tấm lòng thương yêu người bệnh, đặc biệt đối với những bệnh nhân yếu thế, thể hiện qua những việc làm như thăm khám sức khỏe, điều trị trực tiếp những vết thương về thể xác và cả chứng bệnh tâm thần. Hơn ai hết trong quá trình chăm sóc trực tiếp người bệnh chủ yếu là những bệnh nhân tâm thần lang thang vô gia cư họ còn không nhận ra cả chính mình nữa thì mong gì họ bù đắp về vật chất, nhưng anh và những người đồng nghiệp vẫn lao vào mặt trận Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho những con người yếu thế. Anh quan niệm “đối với người có gia đình không thiếu gì người chăm sóc, nhưng với những bệnh nhân đặc biệt phần đông là người lang thang vô gia cư được nuôi dưỡng và chăm sóc tại Trung tâm thì họ chỉ còn cán bộ để bấu víu, chúng ta chính là thân nhân của họ”.

Cha ông ta thường nói “lửa thử vàng, gian nan thử sức” người cán bộ, đoàn viên xung kích, tình nguyện trên mặt trận phòng chống Covid – 19 lại một lần nữa khẳng định vai trò, trách nhiệm của bản thân, đóng góp tích cực vào công tác phòng chống dịch bệnh, đồng chí đã hi sinh rất nhiều ngày nghỉ phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh của đơn vị, trực tiếp tham gia vào công tác phun thuốc khử khuẩn, đo thân nhiệt hằng ngày cho cán bộ và bệnh nhân. Tham mưu cho đoàn thanh niên thực hiện các phần việc thanh niên trong công tác tuyên truyền, vệ sinh môi trường, cách thức phòng chống dịch bệnh. Có lẽ đây là thời điểm anh và những người đồng nghiệp phải đối diện với vô vàn thử thách, làm sao để chăm sóc sức khỏe thật tốt cho bệnh nhân, không để bệnh nhân phải chuyển việc, nâng cao tối đa công tác phòng chống dịch bệnh tại đơn vị.

Đạt luôn tạo cho mình một “tác phong chuyên nghiệp” làm việc trong môi trường đặc thù không chỉ mỗi ngày làm việc 8 giờ như những người cán bộ bình thường khác, mà thời gian anh giành cho cơ quan nhiều hơn cả thời gian giành cho gia đình. Do vậy, anh luôn có mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp, sống hoà đồng, nở nụ cười và lời chào thân thiện với bệnh nhân và đồng nghiệp, sẵn sàng tiếp nhận góp ý xây dựng của đồng nghiệp để bản thân ngày càng hoàn thiện hơn. Luôn giữ vững nguyên tắc “giám nghĩ, giám làm” không để những việc vặt vãnh cá nhân ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Đồng chí luôn xem môi trường làm việc như một ngôi trường lớn để học hỏi, rèn luyện kỹ năng, kinh nghiệm cũng như hoàn thiện nhân cách bản thân. Nhất là với vai trò là người Y sỹ trẻ cần xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng đóng góp nhiều hơn nữa vào công tác chăn sóc sức khỏe cho những bệnh nhân tâm thần yếu thế, góp một phần nhỏ công sức của mình vào sự nghiệp an sinh xã hội.