Sinh thời Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã nói: “Mỗi người tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Nhớ lời Bác dạy, mỗi con người chúng ta đều ra sức phấn đấu trở thành những bông hoa đẹp để cùng nhau khoe sắc. Và hôm nay đây, trong không khí thi đua giới thiệu tấm gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt tôi muốn giới thiệu một bông hoa – một tấm gương người tốt việc tốt mà chính tôi được biết đến hàng ngày – Đó chính là một người đồng chí, đồng nghiệp hết sức giản dị chị Chu Thị Minh Phương – Cán bộ chăm sóc, phục vụ bệnh nhân tâm thần tại Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần số 2 Hà Nội.
Với tuổi đời còn khá trẻ nhưng chị đã kinh qua rất nhiều vị trí công tác, tham gia những công việc vô cùng đặc thù mà không một trường lớp nào đào tạo, nhưng có lẽ với lương tâm nghề nghiệp đức tính giản dị, ham học hỏi chị đã thành công trên chính “trường học đạo đức”. Chị luôn tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức để trở thành một người cán bộ lao động xã hội mẫn cán gắn bó với nghề trong suốt 15 năm qua, bản thân chị không ngừng học tập, và làm theo tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm thiết thực trong công việc và trong cuộc sống. Và món quà tinh thần vô giá giành tặng chị chính là nụ cười của những người yếu thế trong xã hội.
Hồi mới vào nghề năm 2004 khi đó chị còn là một cô sinh viên mới tốt nghiệp chuyên ngành kế toán nhưng do môi trường đặc thù khi chị vào công tác là Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 2 Hà Nội, chị được phân công công việc quản lý học viên nữ là gái bán dâm trong số đó có cả những học viên nghiện ma túy, học viên nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Tâm sự về những thời gian mới vào nghề khuân mặt chị như vẫn hiện lên những lo lắng trăn trở, chị chia sẻ: “ tôi còn nhớ như in ngày đầu tiên mới vào nhận việc được phân công vào quản lý học viên nữ tại tổ 3, lúc đó chị Liên làm tổ trưởng, tôi lo lắng mất một tuần không ngủ được, bởi tôi chưa được ai dậy công việc này, lúc đó tuổi đời còn quá trẻ thiếu kinh nghiệm sống mà lại được phân công công việc quản lý, giáo dục những học viên nghiện ma túy. Nhưng tôi luôn nghĩ rằng công việc nào cũng có những khó khăn, cha ông ta đã dạy lửa thử vàng, gian nan thử sức đó chính là động lực để tôi bước những bước đi chập chững đầu tiên bước vào nghề”; đôi khi đối với những học viên cứng đầu không chấp hành nội quy, có thái độ đối phó với cán bộ cũng làm cho tôi không khỏi trăn trở, mình phải làm gì để thấu cảm, cảm hóa và thuyết phục, giáo dục học viên của mình”. Với bản tính ham học hỏi, luôn trao đổi, học hỏi những kỹ năng quản lý học viên từ những người đồng nghiệp, để có những kinh nghiệm với nghề – chị đã thành công từ chính trong công việc. Trong mối quan hệ, ứng xử với học viên chị luôn tôn trọng nguyên tắc dân chủ và bình đẳng, không phân biệt kỳ thị ngày cả với những học viên nhiễm HIV/AIDS. Chị luôn gần gũi với học viên, coi học viên là những người em của mình. Đây là những phẩm chất tốt tạo niềm tin yêu, tôn trọng đối với các em học viên. Bởi vậy, trong một thời gian không lâu chị đã trở thành một người cán bộ quản lý học viên mẫu mực, chiếm được tình cảm của đồng chí đồng nghiệp và biết bao lứa học viên (họ là những con người đã từng một thời lầm lỡ muốn làm lại cuộc đời thì hình ảnh cô Phương lúc đó trong mắt học viên chính là điểm sáng tinh thần để các bạn học viên phấn đấu rèn luyện trở về tái hòa nhập cộng đồng).
Vừa là một người cán bộ nữ trong môi trường giáo dục đặc thù, công việc thường xuyên phải trực đêm, khi chị xây dựng gia đình là một trong những khó khăn rất lớn, để sắp xếp công việc gia đình và công việc cơ quan chị đã phải cố găng rất nhiều, đặc biệt là khi chị mang thai, chị bị sản giật đó là khoảng thời gian vô cùng khó khăn với chị, nhưng bằng nghị lực của người phụ nữ chị đã vượt qua tất cả những khó khăn thử thách trong cuộc sống.
Thời gian trôi qua trong suốt quá trình công tác cũng như sự phấn đấu bền bỉ chị được luân chuyển công tác về gần nhà khi đó Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số VII mới được thành lập. Tiếp tục với công việc mới nơi trung tâm mới xây dựng cũng là những khó khăn của bản thân chị cũng như tập thể cán bộ công nhân viên trung tâm lúc bấy giờ. Lúc đó tình hình thực tế rất khó khăn, cơ sở vật chất của trung tâm còn đơn sơ, chị được phân công làm công tác nấu ăn cho học viên cai nghiện. Từ những ngày đầu thành lập trung tâm, cán bộ phải đi xách từng xô nước của nhà dân để nấu ăn cho học viên. Nhưng với đức tính cần cù chịu khó nên dù ở bất kỳ vị trí công tác nào chị cũng luôn cố gắng để hoàn thành công việc được giao, trong lòng chị lúc nào cũng mong mỏi làm sao để có những bữa ăn tốt nhất cho học viên, cùng với đồng nghiệp khắc phục những khó khăn xây dựng đơn vị phát triển.
Thế rồi cùng với quá trình xây dựng và phát triển của đơn vị, khi đơn vị được chuyển đổi chức năng nhiệm vụ, một lần nữa chị lại được tiếp cận với công việc mới, đó là chăm sóc phục vụ người tâm thần. Tâm sự về nghề chị Phương rất tự hào vì được cống hiến cho ngành Lao động thương binh xã hội ở nhiều vị trí công tác khác nhau, đó là những công việc đặc thù có phần độc hại, nguy hiểm nhưng chị luôn hoàn thành xuất sắc công việc. Có lần tâm sự cùng chị trải lòng về nghề sau nhiều năm gắn bó trong dịp chị được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Lao động thương binh xã hội chị chia sẻ: “ngẫm lại mình đến với nghề như một cái duyên, đúng là nghề chọn người, chứ người không chọn được nghề, mình cho rằng yêu nghề là điều tiên quyết để dẫn đến những thành công”.
Với công việc hiện tại là quản lý, chăm sóc, trợ giúp người tâm thần chị cho biết, công việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần quả là một công việc vô cùng đặc thù hằng ngày phải đối diện với cảnh bệnh nhân la hét, đánh đập, chửi bới, đi lại lung tung, vệ sinh không kiểm soát…đối với cán bộ trực tiếp chăm sóc cần có lương tâm và đạo đức nghề nghiệp, phải đặt chữ tâm lên hàng đầu. Công việc hằng ngày chị và các đồng nghiệp lo từng bữa ăn, giấc ngủ kể cả vệ sinh cá nhân của người bệnh gặp muôn phần khó khăn, bởi họ không kiểm soát được hành vi của mình.
Ảnh: chị Chu Thị Minh Phương hỗ trợ bệnh nhân kém chức năng vận động vệ sinh cá nhân.
Công việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần nhiều khi vô cùng áp lực, có những bệnh nhân có ý định tự sát, đó là đặc điểm của bệnh, bệnh nhân nào phát hiện sớm thì còn cứu được. Người bệnh tâm thần có khi chỉ cần một tích tắc, quay lại họ đã có những hành vi bất thường, đầu óc họ mình không biết suy nghĩ gì, bệnh nhân lên cơn kích động vớ bất cứ đồ vật gì là có thể tấn công người khác hoặc làm tổn thương chính bản thân mình. Áp lực công việc khá nặng nề, nhất là những đêm trực, chị nhớ lại có những đêm trực bệnh nhân lên cơn kích động bệnh nhân la hét, đập phá, kích động, lôi kéo các bệnh nhân khác giữa đêm, rồi bệnh nhân vệ sinh không kiểm soát chị lại xắn tay vào nép dọn vệ sinh cho họ…vì vậy nhiệm vụ của chị và các đồng nghiệp là phải luôn theo dõi để phát hiện và ngăn ngừa. Trong các đêm trực, 15 phút các chị lại đi tua một lần xem bệnh nhân ngủ hay thức. Lại có những trường hợp bệnh nhân bị nghẹn, bệnh nhân bỏ ăn nhất là những bệnh nhân có tuổi, bệnh nhân kém chức năng vận động của các chi, trong bữa ăn hằng ngày chị lại bón và dỗ dành người bệnh để họ ăn ngon miệng.
Ảnh: chị Chu Thị Minh Phương bón cơm cho bệnh nhân bỏ ăn
Khó khăn nhất với chị và các đồng nghiệp là chăm sóc bệnh nhân khi đi viện, chỉ có một mình cán bộ chăm sóc bệnh nhân 24/24 nhất là với các bệnh nhân kém chức năng vận động thì cán bộ gặp muôn vàn khó khăn vật vả, nhưng với chị lúc nào cũng coi người bệnh như người thân của mình. Chị tâm sự có khi cũng có những “nốt lặng” với nghề: “có một lần trong lúc trông bệnh nhân đi tắm, không may bệnh nhân đánh nhau chị hứng chịu những cảnh xô ngã, cào xé khi bệnh nhân kích động, chị đã bị bệnh nhân đánh trúng người. Khi đó, mình phải thật bình tĩnh xử lý, họ cũng đâu có cố ý đánh mình chẳng qua họ đang bị bệnh thôi, lên cơn thì mới vậy. Mình phải hiểu và thông cảm, chứ thường ngày họ cũng tình cảm lắm”.
Sở dĩ người ta gọi công việc của chị và các đồng nghiệp nơi đây là “nghề” không phải ai cũng làm được là vậy. Bởi chẳng ai đủ can đảm, sự tận tâm, kiên nhẫn chịu đựng như chị và các đồng nghiệp, chẳng ai bỏ tất cả công sức, nhiệt tâm để chăm sóc những con người yếu thế nếu như không có tâm sáng.
Ảnh: chị Chu Thị Minh Phương vệ sinh cá nhân cho bệnh nhân trên giường bệnh
Nhiệt huyết với công việc nhưng chị cũng rất khéo léo thu xếp công việc gia đình, để xứng đáng với người dân hiền chăm sóc mẹ già hơn 80 tuổi và 2 con thơ, vun vén xây dựng cho mình một gia đình hạnh phúc, nhìn vẻ bề ngoài của chị hiền lành, chân chất không ai nghĩ rằng chị có thể năng động và khéo lo liệu đến thế chỉ có những người đồng nghiệp chúng tôi mới cảm nhận được sự chu toàn của một người phụ nữ giản dị, đầy nghị lực. Chị thật xứng đáng là bông hoa đẹp, tấm gương sáng để chúng tôi noi theo.