Trong lịch sử truyền thống quý báu của dân tộc ta, nếu thầy giáo gần với hình ảnh của một người cha nghiêm khắc, thì thầy thuốc gần với tình yêu thương của người mẹ “Lương y như từ mẫu”. Lịch sử cũng đã vinh danh nhiều tấm gương thầy thuốc được người đời tôn kính, thờ phụng. Họ mãi mãi là tượng đài của nền y học Việt Nam, không chỉ bằng tài năng, mà còn bằng đức độ. Thế nhưng gần đây, hình ảnh thiêng liêng của người thầy thuốc Việt Nam, văn hóa ứng xử của một bộ phận không nhỏ thầy thuốc đã làm ảnh hưởng tới giá trị được tôn vinh “Lương Y như từ mẫu”, nhiều trường hợp vòi tiền bệnh nhân, vô cảm với nỗi đau người bệnh, còn có cả sự tác trách gây hậu quả nghiêm trọng thậm chí dẫn tới tử vong.
Nhìn vào lịch sử y học nước nhà như một tấm gương ở đó xuất hiện những thang đo giá trị về chuẩn mực đạo đức để đánh giá những tấm gương y đức của những người thầy thuốc, từ đó tạo nên những giá trị nền tảng để giáo dục y đức của những người thầy thuốc. Hiện nay bên cạnh những mặt tiêu cực, những người bán rẻ đạo đức nghề y, thì cuộc sống quanh ta, vẫn còn có biết bao người, biết bao câu chuyện về tấm gương người tốt việc tốt được ví như bếp lửa tâm hồn có sức lan tỏa rất lớn giúp chúng ta tin tưởng về những tấm lòng lương y, vẫn còn giữ được những giá trị truyền thống trong một xã hội thương mại hóa. Từ sức thu hút mạnh mẽ của phong trào giới thiệu những tấm gương người tốt việc tốt xung quanh cuộc sống đời thường, tôi chiêm nghiệm nhận ra hình ảnh người y sỹ trẻ – Đồng chí Lê Anh Nguyên – cán bộ Phòng Chăm sóc bệnh nhân Sa sút cách ly – Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần số 2 Hà Nội, anh thật xứng đáng là một hình ảnh đẹp, một tấm gương sáng vẫn giữ được những giá trị đạo đức truyền thống quý báu mà Hải Thượng Lãn Ông truyền dạy cho con cháu muôn đời về tấm lòng lương y “Thiện tâm cốt ở cứu người, Sơ tâm nào có mưu cầu chi đâu, Biết vui nghèo cũng hơn giàu, Làm ơn nào phải mong cầu trả ơn…” đó là sự hi sinh của anh cho đi mà không hề nhận lại, cho đi sự công hiến tinh thần, trách nhiệm và nhận lại niềm vui, nụ cười của người bệnh của đồng chí đồng nghiệp.
Nói về tấm gương rất đỗi bình dị của một người cán bộ y tế làm việc trong môi trường đặc biệt, người cán bộ y tế không chỉ là người thầy thuốc, mà còn là người thân ruột thịt của những đối tượng bệnh nhân đặc thù. Hình ảnh của anh luôn hiện hữu trong màu áo trắng Blouse ẩn chứa đầy tình thương, sự đức độ của người thầy thuốc. Có thể nói tuổi đời và tuổi nghề còn khá trẻ, nhưng anh đã để lại cho đồng chí đồng nghiệp và cả những bệnh nhân những ấn tượng, những việc làm hết sức nhân văn.
Hồi mới vào nghề năm 2010 chàng y sỹ trẻ khoác trên mình tà áo trắng với nhiều nhiệm vụ được phân công công tác tại Phòng Y tế thực hiện công tác cắt cơn, phục hồi sức khỏe cho người cai nghiện ma túy. Khi đó không tránh khỏi những bỡ ngỡ trong công việc, với đối tượng bệnh nhân đặc thù là người cai nghiệm ma túy. Nhưng không vì thế mà người y sỹ trẻ lại chùn bước với nghề, có lẽ khó khăn thử thách cũng chính là động lực để đồng chí có được những bước đi vững chắc trên con đường mà mình đã lựa chọn. Đôi khi chính những học viên cai nghiện lại giúp anh đúc rút ra nhiều bài học kinh nghiệm sống trong môi trường tập thể, để rồi các bạn học viên mỗi khi gặp anh chào anh với ba tiếng thân thương “em chào thầy” chữ thầy ở đây thật nhiều ý nghĩa!
Trước đồng chí đồng nghiệp anh luôn tự hào là người cán bộ đảng viên trẻ đầy trách nhiệm, có lẽ suốt thời gian của tuổi trẻ anh đã hi sinh thời gian cá nhân để cống hiến cho công việc, cống hiến cho những người bệnh trong môi trường đặc thù Cai nghiện ma túy. Sự trưởng thành của anh trong công việc cũng là khẳng định sức mạnh của người cán bộ, đảng viên, đoàn viên trẻ đầy nhiệt huyết. Anh là những điểm sáng trong số cán bộ trẻ thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện, thể hiện tấm gương y đức không nề hà việc mới, việc khó.
Kể về những trải nghiệm với nghề và những căn bệnh mà chính bản thân anh đã bị lây nhiễm từ người bệnh càng làm anh thấm thía câu nói “sinh nghề tử nghiệp” năm 2014 đồng chí bị tràn dịch mảng phổi do Lao phải mổ và điều trị dài ngày tại bệnh viện Lao Phổi Hà Nội, 8 tháng dòng nằm ở bệnh viện, từ người y sỹ đã trở thành người bệnh nhân. Đồng chí càng thấm thía hơn nỗi đau của người bệnh, chia sẻ với anh lúc trên giường bệnh anh bày tỏ “Các anh chị a! em đã lựa chọn con đường làm nghề y, tức là em giám đối diện với bệnh tật, anh chị cứ yên tâm vi khuẩn lao không giết chết được ý chí quyết tâm của em đâu, em sẽ chiến thắng bệnh tật để trở về công tác, để được làm nghề, để được giúp đỡ những anh em học viên” những lời chia sẻ của Nguyên khiến chúng tôi thật vô cùng xúc động.
Và rồi thực tế đã chứng minh một tấm lòng lương y bình dị không quản hi sinh với nghề, mãi mãi vững tâm và kiên trì bền bỉ chiến đấu trên mặt trận y tế phát huy vai trò là người chiến sỹ áo trắng đầy nghị lực. Khi đơn vị thực hiện chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ từ Quản lý người sau cai nghiện ma túy sang Chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần. Đồng chí lại tiên phong xin tham gia công tác chăm sóc bệnh nhân tâm thần sa sút cách ly – một công việc vô cùng vất vả, với bao nhiêu bệnh tật và cả những tiếng la ó, gầm rú của bệnh nhân. Không khỏi ban khoăn trăn trở với nghề, sự nhiệt tình và tận tâm với công việc lại được phát huy sở trường, hàng ngày hàng giờ, lăn lộn với bệnh nhân, dường như cuộc sống và công việc của anh vui niềm vui của bệnh nhân, buồn nỗi buồn của bệnh nhân, đau xót nghẹn ngào trước sự ra đi của những người bệnh. Hằng ngày tiếp xúc với đủ mọi trạng thái cảm xúc của người bệnh. Đồng chí hết lòng thương yêu người bệnh, đặc biệt đối với những bệnh nhân yếu thế, không nơi nương tựa như chính người ruột thịt của họ. Đồng chí cũng băn khoăn trăn trở “với điều kiện sức khỏe của người bệnh tâm thần ở mọi lứa tuổi, ngoài bệnh tâm thần thì sức khỏe thể chất của họ cũng là điều mà đội ngũ cán bộ y tế chúng tôi phải suy nghĩ, có lẽ chúng tôi phải hi sinh thời gian, tâm sức nhiều hơn nữa cho những người bệnh yếu thế của chúng tôi”.
Ảnh: đồng chí Lê Anh Nguyên thăm khám sức khỏe bệnh nhân
Ảnh: Đồng chí Lê Anh Nguyên Trợ giúp bệnh nhân Liệt ăn uống hằng ngày
Ảnh: Đồng chí Lê Anh Nguyên hỗ trợ bệnh nhân vận động phục hồi chức năng
Hơn ai hết trong quá trình chăm sóc trực tiếp người bệnh chủ yếu là những bệnh nhân tâm thần lang thang vô gia cư họ còn không nhận ra cả chính mình nữa thì mong gì họ bù đắp về vật chất, nhưng anh và những người đồng nghiệp vẫn lao vào mặt trận Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho những con người yếu thế. Chia sẻ với bệnh nhân “Xã Hội I” trong lúc tỉnh táo bệnh nhân kể: “Tôi chỉ uống thuốc khi được cán bộ Nguyên phát, cán bộ hiền và thương người bệnh chúng tôi lắm!” Thật xúc động về những lời chia sẻ từ chính những người bệnh vô cùng đặc biệt, bởi lấy được niền tin của những người bệnh tâm thần không hề dễ, như vậy anh đã đạt được món quà tinh thần cao quý nhất đó là niềm tin của chính người bệnh. Anh quan niệm “người giàu gia đình không thiếu gì người chăm sóc, nhưng với những bệnh nhân đặc biệt phần đông là người lang thang vô gia cư được nuôi dưỡng và chăm sóc tại Trung tâm thì họ chỉ còn cán bộ để nương tựa, chúng ta chính là thân nhân của họ”.
Đối với đồng chí đồng nghiệp anh nhận thấy bao nỗi vật vả của cán bộ nữ trong môi trường đặc thù, đồng chí sẵn sàng chia sẻ với đồng nghiệp, có những tuần đồng chí trực đêm không có ngày nghỉ nhưng người cán bộ cần mẫn ấy không hề tỏ ra mệt mỏi luôn phát huy nội lực của mình với công việc, đoàn kết tương trợ với đồng chí đồng nghiệp. Anh quan niệm “Ðối với người lớn tuổi thì mình phải kính trọng, người học giỏi thì coi như bậc thầy, người kiêu ngạo thì mình nhân nhượng, người kém mình thì dìu dắt họ học tập”. Nguyên luôn tạo cho mình một “tác phong chuyên nghiệp” làm việc trong môi trường đặc thù không chỉ mỗi ngày làm việc 8 giờ như những người cán bộ bình thường khác, mà thời gian anh giành cho cơ quan nhiều hơn cả thời gian giành cho gia đình. Do vậy, anh luôn có mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp, sống hoà đồng, nở nụ cười và lời chào thân thiện với bệnh nhân và đồng nghiệp, sẵn sàng tiếp nhận góp ý xây dựng của đồng nghiệp để bản thân ngày càng hoàn thiện hơn. Luôn giữ vững nguyên tắc “lấy công việc làm trọng” không để những việc vặt vãnh cá nhân ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Đồng chí luôn xem môi trường làm việc như một ngôi trường lớn để học hỏi, rèn luyện kỹ năng, gom góp kinh nghiệm cũng như hoàn thiện nhân cách bản thân. Tất cả những văn hóa ứng xử của đồng chí đã trở thành tấm gương sáng trong việc thực hiện đạo đức công vụ đóng góp tích cực vào việc tạo môi trường làm việc văn minh, chuyên nghiệp, thân thiện tại đơn vị.