Giữa những bộn bề của cuộc sống, có những con người lặng lẽ cống hiến, để mang đến sự ấm áp và hy vọng cho những mảnh đời kém may mắn. Một trong trong số đó phải kể tới đồng chí Phùng Thế Bình, cán bộ chăm sóc tại Phòng Chăm sóc đặc biệt, Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi Chức năng Người Tâm thần số 2 Hà Nội.
Người cán bộ tận tâm chăm sóc đời sống cho người bệnh
Là một cán bộ chăm sóc, công việc của anh Bình không đơn thuần chỉ là hỗ trợ người bệnh trong sinh hoạt hàng ngày, mà còn là người đồng hành, sẻ chia với họ trên hành trình tìm lại sự bình yên trong tâm hồn. Anh luôn săn sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, dõi theo sức khỏe của từng người bệnh, đảm bảo họ luôn nhận được sự chăm sóc tốt nhất. Có những buổi trưa, tôi thấy anh lặng lẽ đi kiểm tra từng giường bệnh, chỉnh lại tư thế nằm thoải mái cho những người bệnh yếu. Tôi tự hỏi, điều gì đã khiến anh gắn bó với công việc này này suốt bao nhiêu năm trời? Và rồi tôi nhận ra, đó là tình thương, là trách nhiệm, là mong muốn được nhìn thấy những người bệnh có thêm hy vọng và an yên trong chính cuộc sống của họ.
Hình ảnh anh Bình chăm sóc người bệnh
Hình ảnh anh Bình chăm sóc người bệnh yếu
Người bạn đồng hành trên con đường tìm kiếm sự bình yên trong tâm hồn
Nhiều người nghĩ rằng làm việc với người bệnh tâm thần là một công việc đơn thuần – chăm sóc, dọn dẹp, hỗ trợ họ ăn uống, sinh hoạt. Nhưng không, công việc này đòi hỏi sự nhẫn nại và thấu hiểu hơn bất cứ ngành nghề nào khác. Họ đôi khi còn chẳng thể diễn đạt rõ ràng điều bản thân muốn nói, muốn làm. Và với anh Bình, những buổi trò chuyện tưởng chừng đơn giản, nhưng lại là “liều thuốc tinh thần” giúp người bệnh cảm thấy được yêu thương. Có những điều chẳng cần lời nói, chỉ cần một người sẵn sàng lắng nghe cũng đủ để xoa dịu những tổn thương trong tâm hồn.
Hình ảnh anh Bình hỗ trợ người bệnh ăn uống
Người thắp sáng hi vọng trên hành trình phục hồi
Một khoảng thời gian gắn bó với Phòng Chăm sóc Đặc biệt, nơi những người bệnh không chỉ gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc mà còn phải đối mặt với những vấn đề về khả năng vận động. Những việc tưởng như đơn giản – bước đi một vài bước, tự cầm thìa ăn cơm – lại trở thành thách thức lớn đối với họ. Và người đồng hành cùng họ trên hành trình đó chính là người cán bộ mang tên Phùng Thế Bình. Anh luôn kiên nhẫn, từng ngày, từng giờ hướng dẫn họ. Anh nhẹ nhàng đỡ lấy cánh tay run rẩy của người bệnh, dìu họ tập đứng, tập đi từng bước nhỏ trên hành lang dài. Không chỉ là những bài tập vật lý trị liệu, đó còn là sự khích lệ, động viên để người bệnh có thêm động lực bước tiếp.
Tôi từng hỏi anh: “Sao anh có thể kiên nhẫn đến vậy?” Anh chỉ mỉm cười, ánh mắt hiền hòa và đáp: “Vì anh tin rằng, chỉ cần họ còn một tia hy vọng, anh sẽ không bao giờ bỏ cuộc.”. Và có lẽ, với anh Bình, mỗi bước đi của người bệnh chính là niềm hạnh phúc lớn lao nhất trong hành trình tận tâm của mình.
Hình ảnh anh Bình hướng dẫn người bệnh tập đi
Khơi gợi cảm xúc qua những hoạt động ý nghĩa
Với anh Bình, chăm sóc người bệnh tâm thần không chỉ là giúp họ phục hồi thể chất mà còn là hành trình tìm lại những niềm vui giản dị trong cuộc sống. Anh hiểu rằng, đằng sau những ánh mắt ấy là những tâm hồn khao khát được sẻ chia, được yêu thương. Vậy nên, anh luôn tìm cách mang đến cho họ những khoảnh khắc vui vẻ, ấm áp, giúp họ vơi bớt đi những ưu tư, muộn phiền trong lòng.
Mỗi ngày, anh dành thời gian đọc sách cho người bệnh nghe, giọng anh chậm rãi, trầm ấm. Những trang sách không chỉ là lời văn mà còn là cây cầu kết nối, kéo họ ra khỏi thế giới khép kín của riêng mình. Anh cùng họ tham gia các hoạt động giải trí, khi thì chơi cờ, lúc lại ca hát hay đơn giản chỉ là ngồi bên cạnh, lắng nghe họ kể về những điều nhỏ bé mà trước đây họ chưa từng chia sẻ với ai. Anh không vội vàng, không thúc ép, chỉ nhẹ nhàng khích lệ để họ dần cởi mở hơn.
Và rồi, điều kỳ diệu đã xảy ra. Những gương mặt từng lặng lẽ nay đã ánh lên niềm vui. Những đôi mắt từng lảng tránh giờ đã biết tìm đến nhau để sẻ chia. Tiếng cười đã vang lên giữa không gian vốn dĩ tĩnh lặng. Chính nhờ sự tận tâm và kiên nhẫn của anh Bình, những người bệnh từng thu mình trong thế giới cô độc nay đã dần tìm lại sự kết nối với cuộc sống, với mọi người xung quanh.
Nhìn họ thay đổi từng ngày, anh Bình không nói gì, chỉ lặng lẽ mỉm cười. Với anh, hạnh phúc không đến từ những điều lớn lao mà chính là những khoảnh khắc bình dị như thế – khi một người bệnh rụt rè cất tiếng chào hay đơn giản chỉ là một nụ cười. Và đó chính là động lực để anh tiếp tục đồng hành cùng họ, từng ngày, từng giờ, bằng tất cả sự yêu thương và tận tụy của mình.
Hình ảnh anh Bình cùng người bệnh đọc sách
Không ngừng sáng tạo, cống hiến trong công việc
Không chỉ dừng lại ở những đóng góp trong chăm sóc người bệnh, anh Bình còn luôn tìm tòi, sáng tạo để nâng cao chất lượng chăm sóc, phục vụ. Hai năm liên tiếp đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, anh còn được công nhận với sáng kiến kinh nghiệm “Giải pháp cải tiến giường nằm cho bệnh nhân liệt tại Phòng Chăm sóc đặc biệt và Dịch vụ tự nguyện Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi Chức năng Người Tâm thần số 2 Hà Nội”. Sáng kiến này không chỉ giúp cải thiện điều kiện chăm sóc cho những người bệnh nặng mà còn giảm bớt khó khăn trong sinh hoạt của họ. Nhờ đó, những người bệnh tưởng chừng như bị giới hạn hoàn toàn trong chiếc giường nhỏ đã có thể cảm thấy thoải mái hơn, ít đau đớn hơn. Không chỉ vậy, hệ thống giường cải tiến còn hỗ trợ cán bộ trong công tác chăm sóc, giúp họ có thể làm việc hiệu quả hơn.
Với những cống hiến không ngừng nghỉ, anh đã vinh dự nhận được bằng khen của thành phố vì có nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình công tác. Những thành tựu ấy không chỉ là sự ghi nhận cho những nỗ lực của anh, mà còn là nguồn động viên lớn lao để anh tiếp tục cống hiến.
Tấm gương sáng cho đồng nghiệp noi theo
Sự tận tâm và trách nhiệm của anh không chỉ là động lực cho người bệnh mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ đến những đồng nghiệp xung quanh. Không chỉ giỏi chuyên môn, anh còn sẵn sàng hướng dẫn, giúp đỡ đồng nghiệp trong công việc hàng ngày. Sự tận tụy, nhiệt huyết và lòng nhân ái của anh đã góp phần tạo nên một môi trường làm việc đầy tình người, nơi mỗi cán bộ đều chung tay vì sự tiến bộ và hạnh phúc của người bệnh.
Có lẽ, giữa những ồn ào của cuộc sống, anh Bình vẫn sẽ tiếp tục hành trình thầm lặng của mình – một hành trình không hào nhoáng nhưng lại đầy ý nghĩa. Bởi với anh, mỗi nụ cười của người bệnh, mỗi bước tiến nhỏ của họ chính là phần thưởng lớn nhất. Anh không chỉ là một cán bộ chăm sóc, mà còn là một người bạn, một người đồng hành, một người đã hóa trách nhiệm thành tình thương để mang lại sự ấm áp cho những mảnh đời kém may mắn. Một con người thầm lặng nhưng vĩ đại, xứng đáng được trân trọng và lan tỏa!
Người viết: Vũ Thị Thanh Nhàn
Trung tâm Chăm sóc và PHCN người tâm thần số 2 Hà Nội